Quảng Ngãi: Bí thư tỉnh ủy trực tiếp đối thoại, lắng nghe kiến nghị của ngư dân về các vấn đề trong khai thác thủy sản (07-11-2024)

Ngày 5/11, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân đã có buổi đối thoại với Chủ tịch các nghiệp đoàn nghề cá, ngư dân vùng ven biển để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách đối với ngư dân, giải pháp cấp bách chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Quảng Ngãi: Bí thư tỉnh ủy trực tiếp đối thoại, lắng nghe kiến nghị của ngư dân về các vấn đề trong khai thác thủy sản

Trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở, tại buổi đối thoại, các ngư dân đã nêu các ý kiến, kiến nghị liên quan đến: lắp đặt thiết bị giám sát hành trình lắp đặt trên tàu cá; cơ chế chính sách và kinh phí hỗ trợ khi gặp nạn trên biển; Tình trạng nuôi trồng thủy sản không theo quy hoạch làm cản trở luồng lạch các tàu thuyền ra vào cảng ở thị xã Đức Phổ ảnh hưởng đến tàu thuyền khi ra vào cảng, nơi neo đậu, tình trạng khai thác hủy diệt bằng nghề giã cào, các chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề, chính sách tín dụng cho ngư dân yên tâm bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo của tổ quốc…

Cụ thể, về thiết bị giám sát hành trình lắp trên tàu cá, ngư dân phản ánh, theo quy định của Nhà nước, khi đánh bắt xa bờ, mỗi tàu cá phải có 1 thiết bị giám sát hành trình và 1 máy nhắn tin HF (VX1700) để các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát. Tuy nhiên thiết bị máy nhắn tin thường xuyên bị lỗi (mất kết nối) trong quá trình hoạt động, dẫn đến nhiều tàu thuyền không đủ điều kiện, để làm hồ sơ hỗ trợ nhiên liệu theo quy định.

Các đại biểu cho rằng, thực tế trên hệ thống giám sát hành trình VMS hiện nay (của tàu thuyền khi hoạt động trên biển), vẫn đảm bảo chấp hành tốt, không có vi phạm đủ điều kiện xác nhận vị trí khai thác trên biển khi làm hồ sơ hỗ trợ. Vì vậy không ít trường hợp tàu thuyền, chủ phương tiện phải chi thêm hàng chục triệu đồng, mua và lắp đặt thêm 1 máy. Chính vì vậy, ngư dân đề nghị chỉ cần trang bị một thiết bị giám sát hành trình để giảm chi phí cho ngư dân, ngư dân Nguyễn Sáu, phường Phổ Thạnh, TX.Đức Phổ kiến nghị.

Về vấn đề cản trở luồng lạch các tàu thuyền ra vào cảng ở thị xã Đức Phổ, Cụ thể, theo các ngư dân phản ánh luồng, lạch ra vào cửa biển ở khu vực cửa Lở, xã Đức Lợi, huyện Mộ Đức; vũng neo đậu tàu thuyền cho thôn Phước Thiện và thôn An Cường, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn; luồng lạch ra vào Cảng neo trú tàu thuyền ở Cửa biển Mỹ Á... bị bồi lấp, một số hộ nuôi trồng thủy sản lấn chiếm hành lang gây khó khăn cho tàu thuyền ra vào neo đậu, bốc xếp, cập cảng cũng như tránh trú bão. Chính vì vậy, ngư dân các địa phương cũng đề nghị cấp có thẩm quyền quan tâm hỗ trợ kinh phí thường xuyên nạo vét thông luồng các cửa biển, nâng cấp vũng neo đậu tàu thuyền ở khu vực nói trên, để tạo điều kiện tàu, thuyền ra vào vươn khơi bám biển và neo đậu trong mùa mưa bão.

Vấn đề về khai thác thủy sản bằng giã cào, đây là một trong những vấn đề nhức nhối hiện nay trên địa bàn tỉnh được nhiều ngư dân phản ánh. Đó là tình trạng ngư dân sử dụng tàu giã cào đánh bắt hủy diệt khiến ngư trường, nguồn lợi thủy sản bị suy giảm nghiêm trọng, gây hủy hại môi trường cũng ngư gây mất an ninh trật tự trên ngư trường vùng biển, ngư dân đề nghị các cấp, các ngành có giải pháp ngăn chặn nạn vấn nạn này. Để giải quyết vấn đề này, ngư dân đã đề nghị cấp thẩm quyền quan tâm, tạo điều kiện để ngư dân đăng ký chuyển đổi hành nghề giã cào sang ngành nghề khác phù hợp với quy định của pháp luật….

Về kiến nghị hỗ trợ chuyển đổi nghề, chính sách tín dụng…, ngư dân đề nghị nhà nước nghiên cứu có chính sách hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề trong khai thác, nuôi trồng hải sản; hỗ trợ một phần kinh phí lắp đặt thiết bị giám sát hành trình để ngư dân yên tâm phát triển sản xuất và bảo vệ chủ quyền biển, đảo Quốc gia; tăng cường cơ chế chính sách và kinh phí hỗ trợ cho ngư dân và tàu thuyền bị tai nạn, rủi ro trên biển.

Ngư dân cũng mong muốn các cấp, các ngành quan tâm hỗ trợ đối với trường hợp ngư dân khó khăn, không còn nhà ở sau khi bị kê biên, thu hồi nhà, đất để trả nợ ngân hàng vì không có khả năng trả nợ sau khi vay vốn đóng tàu đánh bắt xa bờ theo Nghị định 67 của Chính phủ; tự lấn chiếm đất làm nhà trái phép gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự của địa phương; đề nghị tỉnh quan tâm có ý kiến với các ngân hàng, có giải pháp khoanh nợ, giãn nợ để giảm bớt khốn khó cho ngư dân.

Tại buổi đối thoại, các vấn đề ngư dân nêu ra, kiến nghị đã được lãnh đạo Sở NN&PTNT, các cơ quan, đơn vị liên quan, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền trực tiếp trao đổi, trả lời, hướng dẫn, giải thích chu đáo và có nghiên cứu, đề xuất giải pháp tháo gỡ trong thời gian tới.

Phát biểu kết luận buổi đối thoại, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân trân trọng cảm ơn và ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến, kiến nghị của đại diện ngư dân các địa phương ven biển trên địa bàn tỉnh và khẳng định "với trách nhiệm là người đứng đầu tỉnh, tôi xin tiếp thu đầy đủ và rất đồng cảm, chia sẻ với bà con ngư dân về những tâm tư, nguyện vọng nêu ra tại buổi đối thoại hôm nay".

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng, việc phát triển kinh tế biển nói chung, trong đó việc phát triển việc đánh bắt, nuôi trồng thủy sản là nhiệm vụ quan trọng với Quảng Ngãi. Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các sở, ngành phải tham khảo ý kiến của Bộ NN&PTNT và các địa phương đã thực hiện để tạo điều kiện cho ngư dân được nhận hỗ trợ đúng chính sách mỗi khi ra khơi, gắn khai thác hải sản với bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Đồng thời yêu cầu các địa phương, nhất là các địa phương ven biển phối hợp với lực lượng làm nhiệm vụ thực thi pháp luật trên biển thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho ngư dân trong việc kết hợp khai thác hải sản gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo; nắm bắt đầy đủ các quy định của pháp luật, tránh vi phạm vùng biển nước ngoài; đồng thời phân tích cho ngư dân thấy rõ những ảnh hưởng, hệ lụy tiêu cực của việc khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU); hướng dẫn, định hướng cho ngư dân hiểu các chính sách và thực hiện các chính sách một cách đầy đủ, chính xác….

Trước mắt đề nghị: các doanh nghiệp, ngư dân khai thác thủy sản, thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về khai thác thủy sản, đoàn kết hỗ trợ nhau trong quá trình khai thác, vừa góp phần bảo đảm an ninh trên biển, nâng cao hiệu quả và an toàn trong khai thác thủy sản, vừa làm kinh tế gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo, đặc biệt là tuyên truyền cùng nhau chống khai thác IUU góp phần cùng cả nước tháo gỡ thẻ vàng của EC trong năm 2024. Đây là nhiệm vụ cấp bách nhất hiện nay cần phải triển khai quyết liệt giải quyết, các cơ quan chức năng cùng với các doanh nghiệp, đặc biệt là ngư dân phải nhận thức được “không vì lợi ích trước mắt quên lợi ích lâu dài, vì lợi ích cá nhân quên lợi ích tập thể” ảnh hưởng đến nỗ lực gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” của cả nước.

Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, một trong những biện pháp quan trọng để biến quyết tâm bám biển, vươn khơi của ngư dân thành hiện thực là tăng cường đào tạo, bồi dưỡng năng cao trình độ nghề, đảm bảo thu nhập cho ngư dân. Cần quan tâm mở các lớp đào tạo, tập huấn cho các thuyền trưởng, máy trưởng, thuyền viên sử dụng thành thạo các phương tiện, kỹ thuật hàng hải, nhất là công nghệ khai thác, bảo quản, chế biến nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời, trang bị cho ngư dân cách phòng, chống thiên tai, kỹ thuật sơ cứu ban đầu khi thuyền viên xảy ra thương tật, ốm đau; nâng cao năng lực cho cán bộ khoa học, cán bộ quản lý trong lĩnh vực khai thác và bảo vệ nguồn lợi hải sản.

Xây dựng và nhân rộng mô hình đào tạo nghề tại cộng đồng, khuyến khích những ngư dân có kinh nghiệm tham gia đào tạo, truyền nghề cho ngư dân, lao động trẻ. Có như vậy mới đảm bao thu nhập, nâng cao đời sống tạo động lực để ngư dân bám biển, vươn khơi, bao vệ ngư trường truyền thống của mình.

Văn Thọ

Ý kiến bạn đọc

Tin khác